Trả lời:
1. Thẩm quyền đăng ký hợp tác xã
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 23/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của hợp tác xã, quy định về cơ quan đăng ký hợp tác xã: "Hợp tác xã đăng ký tại phòng tài chính - kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện."
2. Thủ tục đăng ký thành lập hợp tác xã
a) Trình tự thực hiện:
- Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện (địa chỉ: Khu Bản Kho, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình), nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.
- Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền hoàn thiện, nếu đủ điều kiện thì tiếp nhận, viết Giấy biên nhận.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cán bộ tiếp nhận lập Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ (theo mẫu).
- Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ về Phòng Tài chính - Kế hoạch của UBND cấp huyện.
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền. Nếu hồ sơ hợp lệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền nhận kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện.
b) Cách thức thực hiện:
Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện
c) Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Thành phần hồ sơ:
+ Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người có thẩm quyền đăng ký. Trường hợp được ủy quyền, phải có thêm: (1) bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền; (2) bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả hoặc văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
+ Giấy đề nghị đăng ký thành lập hợp tác xã.
+ Điều lệ của hợp tác xã được xây dựng theo Luật Hợp tác xã.
+ Phương án sản xuất kinh doanh.
+ Danh sách thành viên Hợp tác xã.
+ Danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát, kiểm soát viên hợp tác xã.
+ Nghị quyết của hội nghị thành lập.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
d) Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.
đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có tư cách pháp nhân đăng ký thành lập hợp tác xã.
e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện.
g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận.
h) Phí, lệ phí: Theo Quy định (50.000 đồng/lần)
i) Tên mẫu đơn, tờ khai: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh tại Phụ lục I-1 của Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Trường hợp đăng ký hợp tác xã là tổ chức tín dụng kèm theo hồ sơ phải có bản sao hợp lệ giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu phải có điều kiện;
- Tên của hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 của Luật Hợp tác xã, Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP.
- Hồ sơ đăng ký có đầy đủ giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật;
- Trụ sở chính của hợp tác xã được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).