A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỘI DOANH NGHIỆP HUYỆN “CẦU NỐI” GIỮA DOANH NGHIỆP VỚI CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN

Với quan điểm “Sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của huyện Lộc Bình”, Thời gian qua, Cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Toàn cảnh cánh đồng xã Thống Nhất

Thực hiện chủ trương của tỉnh về nâng cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, chi hội doanh nghiệp huyện Lộc Bình đã tổ chức Đại hôi lần thứ I thành lập Hội Doanh nghiệp huyện Lộc Bình với 46 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng; thương mại dịch vụ; sản xuất nông nghiệp; du lịch; xuất nhập khẩu. Qua đó, đã phát huy vai trò liên kết, hợp tác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, chế độ chính sách với người lao động từ đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của Chi hội. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Để làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến việc điều chỉnh các cơ chế chính sách, hàng quý, Hội đã làm việc với các phòng, ban chuyên môn cảu huyện kiến nghị với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thông qua đây để nắm bắt và phản ánh trực tiếp với cấp ủy, chính quyền các cấp qua đó thể hiện được vai trò của BCH trong việc bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp hội viên trên địa bàn huyện.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân luôn quan tâm, phát huy tinh thần, trách nhiệm cùng với cấp ủy, chính quyền huyện trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội; xây dựng nông thôn mới; đóng góp xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; đóng góp kinh phí để hỗ trợ cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, các học sinh nghèo hiếu học, học giỏi. Những năm gần đây nhiều doanh nghiệp, doanh nhân còn tổ chức hỗ trợ dài hạn, tạo việc làm, nguồn vốn sản xuất để giúp hộ nghèo và các đối tượng khó khăn vươn ổn định cuộc sống. Tham gia ủng hộ các loại quỹ nhân đạo, từ thiện do các cấp, các ngành phát động được trên 1.400 triệu đồng, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với những nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, quy mô và tiềm lực được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bước đầu xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm thế mạnh, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung một số loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển mạnh: Các dự án trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ được triển khai thực hiện theo hình thức tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư. Ông Nguyễn Đình Đông, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Đức – Tín – Hưng  thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình nói: Hội là cầu nối cho các doanh nghiệp gửi tiếng nói, mong muốn đến được huyện nhanh nhất, xác thực nhất. Mong muốn huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt hơn nữa và bản thân doanh nghiệp chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao hiệu qủa công việc, tạo được nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho xã hội phát triển.

Quy trình sản xuất gạch không nung tại xã Sàn Viên

Song song với đó, kinh tế cửa khẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển: Cửa khẩu Chi Ma được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ sở hạ tầng, bến bãi được đầu tư khá đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cư dân biên giới. Trong 7 tháng đầu năm 2024, lũy kế kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 186,2 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 33,4 triệu USD, nhập khẩu đạt 152,8 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chân gà, thịt, nội tạng trâu bò đông lạnh, hạt điều, nhựa thông...Nhập khẩu chủ yếu đồ trang trí, hàng tiêu dùng, hoa quả khô, quần áo, đèn led, vải các loại...

Cùng với đó, huyện tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để huy động các nguồn lực từ các nhà đầu tư; hỗ trợ, tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện. Khai thác có hiệu quả lợi thế của huyện về thương mại, dịch vụ, du lịch; chủ động mở rộng, phát triển thị trường mới. Triển khai có hiệu quả Chương trình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch

Hiện, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 120 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký khoảng 667 tỷ đồng. Huyện đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP) cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ, y tế, giáo dục, hạ tầng thiết yếu vùng khó khăn. Khai thác có hiệu quả lợi thế của huyện về thương mại, dịch vụ, du lịch; chủ động mở rộng, phát triển thị trường mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng chí Hoàng Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Nhìn chung doanh nghiệp đã đồng hành với huyện trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà huyên đặt ra. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tổ chức các cuộc họp giao ban, đối thoại với Hội doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế chính sách, vốn, hạ tầng kỹ thuật, đất đai, GPMB giúp cho doanh nghiệp phát triển được thuận lợi hơn.

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Tú Đoạn

Để không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của chi hội trong cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, chi hội doanh nghiệp huyện Lộc Bình sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả để trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; thực sự trở thành nơi gắn kết các doanh nghiệp, HTX, thu hút ngày càng nhiều hội viên, phát huy vai trò là cầu nối giữa các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với doanh nghiệp, HTX; phản ánh kịp thời tình hình hoạt động, những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp, HTX với các cơ quan quản lý Nhà nước đã giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật.

 

Bài, ảnh: LÂM ANH – Trung tâm VHTT&TT Lộc Bình


Tác giả: Lâm Anh – Trung tâm VHTT&TT Lộc Bình

Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 6
Hôm nay : 309
Trong tháng : 6.156
Tất cả : 300.488