Huyện Lộc Bình có nhiều tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm rừng núi, sông, hồ, đập; các hệ sinh thái, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử; danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Tày, Nùng… Trong đó nổi bật có các điểm du lịch: Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ, Trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu du kích Chi Lăng, Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi, Khu căn cứ Đông Quan - Xuân Dương (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược), điểm cao 424, khu vực cửa khẩu Chi Ma, đường tuần tra biên giới, đường Xuân Dương - Ái Quốc - Thái Bình; danh thắng thác Bản Khiếng, suối Long Đầu, hồ chứa nước Bản Lải; đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, đền Khánh Sơn… Đây là những lợi thế lớn của huyện Lộc Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch Lộc Bình. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trước yêu cầu của thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, chuyển biến nhanh chóng, tình hình phát triển của thị trường du lịch trong nước và khu vực, tác động từ các ngành kinh tế - xã hội, để giải quyết những hạn chế trong định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hóa phát triển du lịch, việc xây dựng Đề án phát triển Du lịch huyện Lộc Bình giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức cần thiết để đưa du lịch huyện Lộc Bình phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành ngành kinh tế có sức cạnh tranh cao, phấn đấu đến năm 2030 Lộc Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Lạng Sơn và cả nước.

        Lộc Bình có hệ thống dãy núi Mẫu Sơn với độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, trong đó đỉnh núi Mẫu Sơn cao 1.541m, là đỉnh núi cao nhất ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Núi Mẫu Sơn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông thường có băng tuyết bao phủ thuận lợi để khai thác loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngày 22/5/2015 Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1224/QĐ-UBND công nhận 3 điểm du lịch (Điểm du lịch Khu Linh địa đền cổ Mẫu Sơn; Điểm du lịch tâm linh núi Phặt Chỉ; Điểm du lịch Trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn) nằm trong khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn là các điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn.  

Núi Phặt Chỉ là một trong ba ngọn núi lớn, cao nhất trong số núi đá tự nhiên trong dãy núi đá vôi phía Tây Nam của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn. Toàn bộ khu núi Phặt Chỉ và mặt bằng thảm cỏ với tổng diện tích khoảng trên 10 ha, có độ thoải dốc tự nhiên từ phía Bắc xuống phía Nam. Bên cạnh đó là nhiều dãy núi lớn nhỏ xung quanh có độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển. Đứng trên đỉnh Phặt Chỉ có thể thấy toàn cảnh Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn. Ngay dưới chân núi Phặt Chỉ là hệ thống rừng già nguyên sinh với nhiều loài cây quý hiếm, cây bụi, tre, trúc, chè, sở, thông..., đặc biệt có loài đỗ quyên nở hoa trắng vào tháng 4 và các loài thảo dược quý hiếm khác. Núi Phặt Chỉ đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào năm 2012.

Núi Mẫu Sơn

Hồ Bản Lải: Có diện tích lòng hồ khoảng 600ha, có tiềm năng lớn để trở thành khu du lịch. Do vậy, trong định hướng phát triển sẽ đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái hồ Bản Lải; quy mô dự án 15ha, với cảnh quan đẹp, khí hậu tốt có thể khai thác phục vụ du lịch sinh thái, tham quan lòng hồ, thể thao, nghỉ dưỡng cuối tuần. Bên cạnh đó, Lộc Bình còn có 14 hồ nhân tạo vừa và lớn, trong đó nổi tiếng là các hồ chứa như: Tà Keo, Nà Cáy, Bản Chành… đều có tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.

Hồ Tà Keo

       Thác Bản Khiếng, Bản Khoai: Dự án Khu du lịch sinh thái thác Bản Khiếng, Bản Khoai thuộc xã Hữu Khánh có tổng diện tích 15,07ha, trong đó điểm du lịch thác Bản Khiếng là 8,69ha, điểm du lịch thác Bản Khoai 6,38ha, diện tích suối tự nhiên 2,0ha, phù hợp khai thác du lịch sinh thái, tham quan suối, cắm trại, tắm mát, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Thác Bản Khiếng

        Suối Long Đầu: Là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến, là một con suối khá lớn dài chừng 10km chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái. Suối được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1.000m chảy theo hướng Bắc Nam qua những triền dốc, những khu rừng già của thôn Lặp Pịa về vùng thấp hơn. Lòng suối hẹp dốc tạo cho con suối rất nhiều thác ghềnh. Ở khu vực thượng nguồn có những thác nước cao tới hơn 3m, rộng 7 – 15m, sâu 2 – 3m (thác Long Đầu). Lòng suối ngổn ngang đá núi nhẵn phẳng như có bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa. Vào mùa mưa lũ dòng suối có vẻ hung dữ, còn lại suối Long Đầu mang một vẻ đẹp hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành.

        Suối Khuổi Lầy: Thuộc xã Khánh Xuân, đây là dòng suối nằm ngay tại cửa ngõ huyện Lộc Bình. Suối Khuổi Lầy có vẻ đẹp hoang sơ, dòng nước mát và trong vắt, thu hút du khách đến tham quan, tắm mát cuối tuần.

Suối Bản Mặn: Cũng thuộc xã Khánh Xuân, suối có dòng nước chảy quanh năm cung cấp nước tưới cho cánh đồng và nước sạch cho các hộ dân trong xã. Suối Bản Mặn thu hút khách du lịch cuối tuần đến tham quan và tắm mát.

Suối Háng Cáu: Cách thị trấn Lộc Bình 2km về phía Tây, suối Háng Cáu trong vắt, nơi tắm mát lý tưởng cho thanh thiếu niên trong mỗi dịp hè. Từ cầu Háng Cáu ngược thượng nguồn 2km sẽ đến thác Khuôn Van nổi tiếng với những bãi đá lớn bằng phẳng, cây cối hai bên bờ trùm mát rượi.

Suối Nà Mìu: Thuộc xã Mẫu Sơn và xã Yên Khoái, phù hợp khai thác du lịch sinh thái, tham quan, cắm trại, tắm mát và thể thao khám phá vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Suối Lặp Piạ: Cùng nguồn với suối Nà Mìu, dưới lòng suối có những tảng đá nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Trên dòng suối này có hai vũng nước rộng và sâu là Vằng Khuất và Vằng Kheo, đây là nơi trú ngụ của các loài cá.

Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn: Khu Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia hạng mục di chỉ khảo cổ năm 2013. Khu Linh địa, đền cổ nằm ở độ cao 1.190m so với mực nước biển, trên dải đất trống kéo dài hơn 400m, rộng khoảng 100m, có độ dốc đồng đều thuộc sườn núi Mẹ. Điểm chính nơi sườn núi trống Khu Linh địa, đền cổ được coi là vị trí đắc địa theo thuật phong thủy. Khu Linh địa cổ bao gồm khá nhiều ngôi mộ đá còn sót lại, các mộ đá được xây dựng bằng các phiến đá to, dài và rộng được chế tác đẽo gọt nhẵn, bằng phẳng hết sức công phu. Các di tích trong Khu Linh địa, đền cổ vẫn giữ nguyên hiện trạng, gồm 3 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và bậc cửa đá... Trên Khu Linh địa, đền cổ có đền thờ vị thần trấn giữ núi Mẫu Sơn tên là Lê Hùng Trấn. Đền được xây vào khoảng thế kỷ thế X và được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.

Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn

Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi (di tích cấp tỉnh): Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi có tuổi đời 300 năm thuộc thôn Bản Chu, xã Khuất Xá. Dòng họ Vi là một dòng họ lớn của dân tộc Tày, có nhiều người, thuộc nhiều đời (13 đời) làm quan giữ trọng trách, có nhiều công trạng đối với triều đình phong kiến Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo vệ vùng biên cương Lạng Sơn của Tổ quốc. Theo các tài liệu ghi lại, sau khi làm Tri châu Lộc Bình, ông Vi Văn Định (1878 - 1975), thuộc đời thứ 13 của họ Vi tiến hành xây dựng dinh thự ở thôn Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình với quy mô khá lớn gồm: 1 nhà chính 2 tầng, 1 nhà ngang, có 1 sân quần vợt bằng xi măng. Trong khuôn viên có 3 ao lớn khoảng 7 mẫu (Bắc Bộ), xung quanh xây 5 cổng ra vào. Cách khu vực khu dinh thự khoảng 400m có giếng nước “Bó Lìn” cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục hộ dân của thôn. Năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 29/11/2019 về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2019 đối với Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và đã được khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ xếp hạng di tích.

Khu lưu niệm Dòng họ Vi

 

       Giếng nước cổ Bó Lìn: Giếng Bó Lìn, nằm cạnh nhánh sông Kỳ Cùng được Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng năm 1910. Thành giếng cao 2m, xây bằng gạch nung. Giếng mang hình dáng chiếc trống đồng với “đai trống” là 2 vòng tròn đắp nổi. Nước giếng trong vắt, mát lạnh và luôn đầy nên người dân vẫn sử dụng nước giếng phục vụ sinh hoạt.

  Giếng cổ Bó Lìn

                                                                                    

Đình Vằng Khắc (di tích cấp tỉnh): Đình Vằng Khắc là một ngôi đình cổ thuộc thôn Còn Trả xã Thống Nhất, cách thị trấn Lộc Bình khoảng 15km về hướng Đông Bắc. Đình nằm trên một bãi đất bằng phẳng bên cạnh sông Kỳ Cùng với cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình và hội tụ những yếu tố tốt về phong thủy. Mặt chính của đình quay hướng Đông Bắc nhìn thẳng xuống sông Kỳ Cùng, phía sau là những dải đồi thấp. Sân đình rộng, thoáng mát, bên trái đình có 2 cây đa cổ thụ buông từng nhánh rễ dài, cành lá quanh năm xanh tốt. Đình là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi giải trí của nhân dân trong thôn, và là nơi tham quan của khách du lịch.

Khu du kích Chi Lăng (di tích cấp tỉnh): Khu du kích Chi Lăng được xây dựng trên địa bàn 3 xã: Tam Gia, Tú Mịch, Tĩnh Bắc. Nơi đây có địa hình hiểm trở, núi rừng bao quanh, có sông chảy qua, ngăn cách rất thuận lợi về chiến thuật quân sự. Địa bàn này rất an toàn để cất giữ lương thực, sơ tán nhân dân và thuận tiện cho việc canh tác tại chỗ, kịp thời phục vụ chiến đấu lâu dài. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Khu du kích Chi Lăng lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ các lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt địch trên tuyến mặt trận đường số 4 từ Lộc Bình tới Tiên Yên (Quảng Ninh). Khu du kích Chi Lăng đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba; nhân dân các dân tộc thuộc 3 xã Tam Gia, Tú Mịch, Tĩnh Bắc được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Điểm cao 424 (di tích cấp tỉnh): Thuộc thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1947 - 1948 nhằm kiểm soát khu vực Chi Ma, Lộc Bình và biên giới Việt Trung. Di tích nằm cách Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma hiện nay khoảng 1.000m về phía đông; từ đường nhánh phía Đông Nam Cửa khẩu lên đến điểm cao 424 khoảng 800m. Di tích điểm cao 424 hiện nay gồm có hệ thống đồn, bốt từ thời Pháp và nhà bia tưởng niệm 11 anh hùng liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979. Ngoài ra xung quanh đồn còn có hệ thống hầm, hào được xây dựng kiên cố bằng đá và bê tông. Từ điểm này có thể quan sát được cả khu vực rộng lớn của 4 hướng xung quanh, tạo nên một điểm chốt trong khu vực. Di tích này gắn liền với các sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Nhà Trình tường: Nhà Trình tường của người Tày hiện nay còn lưu giữ, bảo tồn ở nhiều xã, nhưng chủ yếu tại thôn Pò Kít xã Khuất Xá, thôn Bản Khiếng xã Hữu Khánh… Những nếp nhà Trình tường nằm dọc theo triền núi với những ngôi nhà đất, mái ngói âm dương, rêu phong cổ kính, nằm lấp ló trong làn sương khói bay bay tạo nên khung cảnh nên thơ. Nhà đất Trình tường là lối kiến trúc tiêu biểu của đồng bào dân tộc ở Lộc Bình, do cách làm và đất đỏ tương đối tốt nên những ngôi nhà Trình tường ở đây dù đã lâu đời nhưng vẫn còn rất vững chãi. Nhà Trình tường có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, đặc biệt hấp thụ độc khí rất tốt. Nhà Trình tường được làm bằng khuôn gỗ dài, rộng khoảng 45 cm – 50 cm; đổ từng lớp đất sét mịn, ẩm, có tính kết dính cao, đầm trình từng lớp mỏng, giữa khuôn có đặt cốt tre già, rất vững chắc.

 

Nhà Trình tường bản Khiếng

 

Khu di tích Đình Pò Khưa (di tích cấp tỉnh): Đình Pò Khưa thuộc xã Tam Gia, tại đây đã diễn ra lễ thành lập Khu du kích Chi Lăng, cắt máu ăn thề, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lập nên chiến thắng giải phóng Cao Bắc Lạng năm 1950.

Hiện nay các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn là du lịch lễ hội (toàn Huyện có 13 lễ hội chính được tổ chức trong năm) gắn với du lịch tâm linh và sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tham quan, vãn cảnh. Các lễ hội truyền thống gắn với việc tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo du khách đến với Lộc Bình. Một số lễ hội tiêu biểu đang được khai thác phục vụ du lịch, bao gồm:

Lễ hội Háng Đắp: Lễ hội Háng Đắp đã có từ rất lâu, diễn ra hàng năm vào ngày 30 (hoặc 29) tháng Giêng âm lịch, thu hút được rất nhiều du khách đến tham gia. Hoạt động tổ chức Lễ hội Háng Đắp nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng du lịch và con người Lộc Bình.

Lễ hội Dinh Chùa: Lễ hội Dinh Chùa gắn với chùa Trung Thiên, đã có từ rất lâu, diễn ra đều đặn hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng, thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách đến từ các xã lân cận đến tham gia. Lễ hội thường được tổ chức kết hợp với các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, thiết thực.

Lễ hội Háng Cáu: Lễ hội Háng Cáu xã Đồng Bục là lễ hội đã có từ rất lâu, diễn ra đều đặn hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng (âm lịch), thu hút được rất nhiều du khách đến tham gia. Lễ hội được tổ chức chu đáo, với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, thiết thực, lễ hội còn tổ chức thi các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo… Việc tổ chức lễ hội nhằm duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. Đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi trong học tập, lao động sản xuất phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, trên địa bàn Lộc Bình còn có lễ hội đình Pò Khưa xã Tam Gia diễn ra ngày 10/4 âm lịch; Lễ hội đình Vằng Khắc xã Thống Nhất diễn ra vào các ngày 17, 18/4 âm lịch hàng năm...