GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HUYỆN LỘC BÌNH

 

          Ngược dòng lịch sử hàng ngàn năm về trước, Lộc Bình vốn là một vùng đất đai biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển dưới các triều đại phong kiến, vùng đất quê hương đã mang nhiều tên gọi khác nhau: Tân Yên, Như Ngạo, Đơn Ba, Lộc Châu và Tây Bình Châu. Đến Triều Lê (1490), chính thức có tên gọi đơn vị hành chính Lộc Bình thuộc phủ Tràng Khánh. Dưới triều Nguyễn cho đến trước khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Lộc Bình được sắp đặt thành một châu. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (02/9/1945) cho đến nay, Lộc Bình là một huyện ở phía Đông Nam của tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, huyện Lộc Bình có tổng diện tích tự nhiên 98.642,92ha (theo số liệu thống kê năm 2023) chiếm 11,85% diện tích của tỉnh, có chiều dài biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 28,89km, là huyện miền núi, biên giới cách thành phố Lạng Sơn 23km. Phía Bắc giáp huyện Cao Lộc; phía Đông giáp huyện Đình Lập và tỉnh Quảng Tây, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; phía Tây giáp với huyện Chi Lăng; Phía Nam giáp với huyện Đình Lập và 2 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

Huyện Lộc Bình có 21 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn (Lộc Bình, Na Dương) và 19 xã (Ái Quốc, Khánh Xuân, Đồng Bục, Đông Quan, Minh Hiệp, Hữu Khánh, Hữu Lân, Khuất Xá, Lợi Bác, Mẫu Sơn, Nam Quan, Sàn Viên, Tam Gia, Tĩnh Bắc, Tú Đoạn, Tú Mịch, Xuân Dương, Yên Khoái, Thống Nhất) với 201 thôn bản, khu phố.

Lộc Bình có Quốc lộ 4B dài khoảng 27km chạy qua nối liền thành phố Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh; đường tỉnh lộ dài khoảng 15km từ thị trấn Lộc Bình đi cửa khẩu Chi Ma giáp với nước láng giềng Trung Quốc. Vị trí địa lý của huyện rất thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác tiềm năng đất đai, giao lưu, trao đổi hàng hóa, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, khai thác sức lao động phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Tổng dân số trên địa bàn huyện Lộc Bình sơ bộ năm 2023 là 87.118 người, mật độ dân số 89 người/km2. Huyện Lộc Bình có 06 dân tộc chủ yếu cùng chung sống hoà thuận là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chỉ; trong đó dân tộc Tày chiếm 57,24%, dân tộc Nùng 27,57%; dân tộc Kinh 5,8%, dân tộc Hoa chiếm 0,23%, còn lại các dân tộc khác chiếm 9,16% dân số toàn huyện. Người Tày và người Nùng đến sinh cơ lập nghiệp ở Lộc Bình sớm hơn, trải qua nhiều thời kỳ khai khẩn, thiên di, định cư đã hình thành nên các bản, làng tập trung đông đúc ở ven sông, ven suối của nhiều xã trong huyện. Người Kinh và người Hoa chủ yếu tập trung ở thị trấn, ven trục đường quốc lộ. Người Dao sinh sống tập trung ở 02 xã Mẫu Sơn và Ái Quốc; người Sán Chỉ sống tập trung ở xã Thống Nhất và một phần ở xã Minh Hiệp. Tuy có sự khác biệt nhất định về ngôn ngữ, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa… song Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Về địa hình: Huyện Lộc Bình nằm trong lưu vực sông Kỳ Cùng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển là 352m, cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn 1.541m. Địa hình huyện nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam và phân thành 3 vùng tương đối rõ rệt.

- Vùng đồi núi cao: Chạy bao quanh huyện theo hình cánh cung, có độ cao trung bình từ 700 - 900m, bao gồm các xã Mẫu Sơn, Lợi Bác, Tam Gia, Hữu Lân, Ái Quốc,... Phần lớn đất có độ dốc trên 200. Trên dạng địa hình này chỉ thích hợp cho sử dụng vào lâm nghiệp vì độ dốc cao và đường đi khó khăn. Các khu vực thung lũng hẹp có thể sử dụng phát triển cây ăn quả; một số gần nguồn nước tưới thích hợp cho trồng lúa.

- Vùng đồi núi thấp: Bao gồm các xã Yên Khoái, Thống Nhất, Đông Quan, Tú Mịch, Khánh Xuân, Minh Hiệp, thị trấn Lộc Bình,… Độ cao trung bình 250 - 300 m, độ dốc từ 8 - 150, dạng địa hình này thích hợp cho mục đích nông lâm kết hợp. Sườn đồi thoải độ dốc thấp gần nguồn nước thích hợp phát triển cây ăn quả.

- Vùng thung lũng bằng: Bao gồm các xã chạy dọc theo Quốc lộ 4B, một phần chạy dọc theo sông Kỳ Cùng. Đây là vùng địa hình tương đối bằng phẳng có độ dốc < 80 được hình thành chủ yếu do bồi đắp phù sa của các sông Kỳ Cùng và các phụ lưu. Trên địa hình này chủ yếu trồng lúa nước và cây hoa màu.

Về khí hậu: Do đặc điểm của địa hình nên trên địa bàn huyện có 2 tiểu vùng khí hậu: Tiểu vùng khí hậu núi cao Mẫu Sơn: Mùa hè nhiệt độ trung bình khoảng 21 - 260C, mùa đông lạnh giá chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ có ngày xuống đến -20C. Vùng khí hậu thung lũng sông Kỳ Cùng: Vùng có địa hình lòng chảo thấp trũng về mùa hè nóng bức, nhiệt độ cao nhất có ngày lên tới 37 - 380C. Chế độ nhiệt: Về cơ bản khí hậu của huyện Lộc Bình vẫn là khí hậu nhiệt đới với tổng nhiệt độ trong năm khoảng trên 7.5600C. Nhiệt độ trung bình năm 210C. Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.350 mm (riêng vùng Mẫu Sơn từ 2.000 - 2.400mm/năm). Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí bình quân năm từ 78 - 82%. Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 811mm. Hiện tượng thời tiết bất thường: Hàng năm xảy ra hiện tượng sương muối, với tần suất 1,5 - 2 ngày/năm.

Về thủy văn: Trên địa bàn huyện Lộc Bình có hệ thống sông Kỳ Cùng và các phụ lưu của sông cùng với hệ thống ao, hồ chi phối nguồn nước. Ngoài ra, còn có vùng đầu nguồn của các chi lưu sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình) thuộc vùng các xã phía Nam của huyện như Hữu Lân, Nam Quan, Xuân Dương, Ái Quốc. Mật độ sông suối trong huyện khoảng 0,88km/km2. Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi Ba Xá có độ cao 1.166 m, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua huyện Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn đến Thất Khê, huyện Tràng Định rồi chuyển hướng chảy Tây Bắc - Đông Nam đến biên giới Việt Trung. Thượng lưu sông Kỳ Cùng có nhiều thác ghềnh, đến Lộc Bình độ dốc thấp dần, không có thác ghềnh thuyền bè có thể đi lại được. Sông Kỳ Cùng có nhiều phụ lưu, những phụ lưu tương đối lớn chảy trong huyện gồm: Sông Bản Thín nằm ở hữu ngạn sông Kỳ Cùng, bắt nguồn từ đèo Xeo Bô - CHND Trung Hoa, diện tích lưu tích lưu vực 320 km2. Sông Bản Trang nằm tả ngạn sông Kỳ Cùng, chảy theo hướng Nam Bắc, qua xã Sàn Viên, thị trấn Na Dương, xã Đông Quan và xã Tú Đoạn. Sông Tà Sản: Hợp lưu từ các suối bắt nguồn từ vùng núi Ái Quốc, phía nam xã Lợi Bác chảy theo hướng Nam Bắc, qua các xã Lợi Bác, Nam Quan, Đông Quan hợp với sông Kỳ Cùng tại xã Khuất Xá. Sông Bản Chuồi nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng, chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, bắt nguồn từ xã Hữu Lân chảy qua các xã Minh Hiệp, Thống Nhất.

Tài nguyên đất: Căn cứ trên bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1:50.000 do Viện QH&TKNN xây dựng toàn huyện có các loại đất sau: Nhóm đất phù sa, nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi, nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ. Nhóm đất phù sa: Đất phù sa được bồi trung tính ít chua (Pbe); Đất phù sa được bồi chua (Pbc); Đất phù sa ngòi suối (Py). Nhóm đất đỏ vàng: Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs); Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq); Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp); Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (FL). Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ

Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt: Trên địa bàn huyện được chi phối bởi nguồn nước của sông Kỳ Cùng và các phụ lưu của sông. Nhìn chung, đảm bảo cho việc tưới tiêu và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, vào mùa khô hạn thường bị suy kiệt dẫn đến việc thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, trong vùng hiện còn có rất nhiều hồ đập vừa và nhỏ như hồ Tà Keo, hồ Bản Chành, hồ Tam Quan, hồ Nà Căng, đập Khuôn Van, đập Nà Phừa, đập Kéo Hin. Nguồn nước ngầm: Nhìn chung, hệ thống sông suối, ao hồ trong huyện có nguồn nước khá dồi dào và phân bố tương đối đồng đều, đủ để cung cấp nước tưới cho lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.

Hồ Bản Lải

Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn huyện Lộc Bình có nhiều loại khoáng sản khác nhau, nhưng có 2 loại khoáng sản chính là Than và đất sét Cao lanh.

- Mỏ than Na Dương có trữ lượng than nâu khoảng 100 triệu tấn. Trong đó, mỏ lộ thiên khoảng 23 triệu tấn. Mỏ than Na Dương đã và đang khai thác phục vụ chủ yếu cho nhà máy nhiệt điện Na Dương. Ngoài ra, còn có than bùn ở Nà Mò, tuy nhiên trữ lượng thấp nên chưa khai thác sử dụng.

- Sét trắng (Cao lanh): Phân bố ở xã Đông Quan, Tú Đoạn và thị trấn Na Dương với trữ lượng khoảng 60 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu rất tiềm năng cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gốm sứ.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một lượng nhỏ vàng sa khoáng ở các xã: Đồng Bục, Nam Quan, Hữu Lân, Mẫu Sơn, Đông Quan, Xuân Dương. Cát xây dựng được khai thác dọc theo sông Kỳ Cùng.

Mỏ than Na Dương

Về địa hình: Huyện Lộc Bình nằm ở lưu vực sông Kỳ Cùng; độ cao trung bình so với mặt nước biển là 352m, cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn với 1.541m so với mực nước biển. Địa hình huyện nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam và phân thành 3 vùng tương đối rõ rệt. Vùng núi cao chạy bao quanh huyện theo hình cánh cung, có độ cao trung bình từ 700 – 900m, bao gồm các xã Mẫu Sơn, Lợi Bác, Tam Gia, Hữu Lân, Ái Quốc... phàn lớn đất có độ dốc trên 20 độ; trên dạng địa hình chỉ thích hợp cho sử dụng vào lâm nghiệp và đồng cỏ chăn thả vì độ dốc cao và đường đi lại khó khăn; các khu vực thung lũng hẹp có thể sử dụng phát triển cây ăn quả một số ít gần nguồn nước tưới thích hợp cho trồng lúa. Vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình 250 – 300m gồm các xã Yên Khoái, Thống Nhất, Đông Quan, Tú Mịch, Khánh Xuân… vùng này có dạng địa hình đồi thoải xen bát úp; dạng địa hình này thích hợp cho mục đích nông lâm kết hợp; sườn đồi thoải độ dốc thấp gần nguồn nước thích hợp cho phát triển cây ăn quả. Vùng thung lũng bao gồm các xã chạy dọc theo quốc lộ 4B, một phần chạy dọc theo sông Kỳ Cùng; đây là vùng địa hình tương đối bằng phẳng được hình thành do bồi đắp của sông Kỳ Cùng và các phụ lưu; trên địa hình này chủ yếu trồng cây lúa nước và cây hoa màu.

Do đặc điểm địa hình, đến nay rừng núi của Lộc Bình còn lưu giữ phần nào tính chất nguyên sinh vốn có thể hiện rõ nét trên nhiều khoảnh rừng núi cao. Nhiều khu rừng còn lưu giữ được những loại gỗ quý sến, táu, lát hoa, kháo thơm…, các loại lâm sản phổ biến như: nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, hồi…và từ lâu, đào Mẫu Sơn đã trở thành sản vật nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt, khác biệt với loại đào vốn có ở nhiều nơi.

Núi Mẫu Sơn

Về khí hậu, thủy văn: Khí hậu của Lộc Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa nóng, ẩm bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô lạnh, ít mưa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 210C, nhiệt độ cao tuyệt đối 380C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -20C. Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.350mm. Chế độ mưa cũng phân thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 và chiếm trên 76% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau và chiếm trên 24% lượng mưa cả năm.

Núi Mẫu Sơn

Tài nguyên rừng: Hiện nay diện tích đất lâm nghiệp là: 80.244 ha, trong đó diện tích đất có rừng: 58.584,07 ha (Trong đó, đất rừng sản xuất là 44.295,77 ha chiếm 75,61%; đất rừng phòng hộ là 14.288,3 ha chiếm 24,39%); diện tích đất chưa có rừng: 21.659,93 ha (trong đó Đất chưa có rừng sản xuất 17.738,23 ha; Đất chưa có rừng phòng hộ 3.921,7 ha. Độ che phủ rừng hiện nay là 57%. Trên địa bàn huyện Lộc Bình trồng cây Thông Mã Vĩ là chủ yếu, khoảng 30.000 ha, chiếm 51% tổng diện tích đất có rừng, tập trung ở các xã . Ngoài ra, có trên 3.000 ha là rừng trồng Keo và Bạch đàn, còn lại là trên 20.000 ha là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh chủ yếu là cây Dẻ, Sau Sau, Kháo Ngứa và cây gỗ tạp khác. Diện tích đất rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ lớn hiện nay tập trung nhiều ở xã Hữu Lân.

Rừng Lộc Bình

Tài nguyên văn hóa - du lịch: Huyện Lộc Bình có nhiều tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm rừng núi, sông, hồ, đập; các hệ sinh thái, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử; danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Tày, Nùng… Trong đó nổi bật có các điểm du lịch: Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ, Trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu du kích Chi Lăng, Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi, Khu căn cứ Đông Quan - Xuân Dương (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược), điểm cao 424, khu vực cửa khẩu Chi Ma, đường tuần tra biên giới, đường Xuân Dương - Ái Quốc - Thái Bình; danh thắng thác Bản Khiếng, suối Long Đầu, hồ chứa nước Bản Lải; đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, đền Khánh Sơn… Đây là những lợi thế lớn của huyện Lộc Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch Lộc Bình. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trước yêu cầu của thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, chuyển biến nhanh chóng, tình hình phát triển của thị trường du lịch trong nước và khu vực, tác động từ các ngành kinh tế - xã hội, để giải quyết những hạn chế trong định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hóa phát triển du lịch, việc xây dựng Đề án phát triển Du lịch huyện Lộc Bình giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức cần thiết để đưa du lịch huyện Lộc Bình phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành ngành kinh tế có sức cạnh tranh cao, phấn đấu đến năm 2030 Lộc Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Lạng Sơn và cả nước.

Lộc Bình có hệ thống dãy núi Mẫu Sơn với độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, trong đó đỉnh núi Mẫu Sơn cao 1.541m, là đỉnh núi cao nhất ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Núi Mẫu Sơn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông thường có băng tuyết bao phủ thuận lợi để khai thác loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngày 22/5/2015 Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1224/QĐ-UBND công nhận 3 điểm du lịch (Điểm du lịch Khu Linh địa đền cổ Mẫu Sơn; Điểm du lịch tâm linh núi Phặt Chỉ; Điểm du lịch Trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn) nằm trong khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn là các điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn.  

 

Thác Bản Khiếng

Đến với Lộc Bình là đến với các lễ hội hội độc đáo như lễ hội Thần Rắn (xã Vân Mộng); Lễ Hội Háng Cáu (xã Đồng Bục); Lễ Hội Háng Đắp (Thị trấn Lộc Bình); Lễ hội Bản Chu (xã Khuất Xá); Lễ hội Rinh Chùa (xã Tú Đoạn), lễ hội lịch sử Đình Pò Khưa...  Trong các lễ hội nhiều bà con dân tộc Tày, Sán Chỉ trên địa bàn huyện có những điệu hát Sli, hát Lượn, hát giao duyên làm cho các lễ hội càng trở nên phong phú.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình đã vun đắp nên những truyền thống lịch sử và bản sắc văn hoá hết sức đáng tự hào. Đó là truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó, thuỷ chung, tương thân, tương ái, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chế ngự tự nhiên, đấu tranh bền bỉ, ngoan cường, bất khuất, không chịu khuất phục trước các thế lực xâm lăng, giữ yên bờ cõi đất nước; là các làn điệu hát Then, Shi, Lượn... mượt mà, ấm áp, trữ tình; là tà áo Chàm thuần khiết, trang nhã, gắn bó với thiên nhiên tạo nên bản sắc độc đáo của nhân dân các dân tộc vùng biên cương của Tổ quốc.

Trên những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ không ngừng đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt của lịch sử Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Lạng Sơn. Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đã đến, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc nhanh chóng tổ chức phát động quần chúng cách mạng nổi dậy giành chính quyền về tay cách mạng trước khi quân Tưởng tràn đến. Ngày 28 tháng 8 năm 1945, nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình phối hợp cùng với đơn vị vũ trang của tỉnh đứng lên giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại sự đổi đời to lớn cho Nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình, từ thân phận nô lệ lầm than đứng lên làm chủ cuộc sống mình.

Sau khi giành được chính quyền, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bọn phản động được sự dung túng của quân Tưởng quấy phá, cướp bóc, đe dọa chính quyền và nhân dân ở nhiều nơi gây ra tình hình căng thẳng, trở ngại cho quá trình củng cố chính quyền cách mạng và ổn định đời sống nhân dân. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của huyện, tháng 2 năm 1946, Tỉnh ủy quyết định tăng cường tới Lộc Bình 4 đồng chí đảng viên để làm nòng cốt củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ ở Lộc Bình. Cùng với việc tăng cường cán bộ tới Lộc Bình, Tỉnh ủy có chủ trương gấp rút xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Lộc Bình. Ngày 20 tháng 2 năm 1946, tại Pò Mục, xã Lục Thôn, 2 đồng chí Bảo An và Hà Khai Lạc, thay mặt Tỉnh ủy đã tổ chức kết nạp 03 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đồng thời, đồng chí Bảo An thay mặt Tỉnh ủy tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Lộc Bình do đồng chí Hoàng Vị làm Bí thư. Trên cơ sở của việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, do yêu cầu khẩn trương của công tác lãnh đạo tập trung trên phạm vi toàn huyện trong bối cảnh tình hình mới; Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Huyện ủy lâm thời Lộc Bình do đồng chí Hoàng Vị làm Bí thư Huyện ủy lâm thời.

Dưới sự lãnh đạo của trực tiếp của Huyện ủy Lộc Bình, trong những ngày tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng trung kiên đã nêu cao tinh thần kiên cường anh dũng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mất mát đã chiến đấu quyết liệt với quân thù giữ vừng và giành giật từng tấc đất của quê hương. Vùng căn cứ kháng chiến Lộc Bình với khu du kích Chi Lăng nổi tiếng kiên cường đã làm cho quân thù bao phen khiếp đảm; khu căn cứ kháng chiến Đông Quan – Xuân Dương đã bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của Tỉnh ủy Hải Ninh và Huyện uỷ Lộc Bình trong thời kỳ tạm chiếm. Những chiến công vẻ vang của khu du kích Chi Lăng, khu căn cứ Đông Quan - Xuân Dương đã tô đậm trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang Lạng Sơn trên mặt trận đường số 4. Những chiến thắng đó góp phần đánh đuổi thực dân Pháp, buộc chúng phải rút quân khỏi Lộc Bình  vào ngày 19 tháng 10 năm 1950. Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của thời kỳ lịch sử oanh liệt (1930 - 1954), từ năm 1955, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Lộc Bình bước vào thời kỳ cách mạng mới và giành được nhiều thành tựu vẻ vang. Thắng lợi cơ bản nhất trong giai đoạn này là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã trở thành sự thật trên quê hương Lộc Bình. Bản chất ưu việt của chế độ xã hội mới đã đem lại quyền làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của người dân. Từ năm 1986, Đảng  bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình bắt đầu bước sang thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sau gần 40 thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình tiếp tục giành được những thành tựu mới quan trọng. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, đời sống của Nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, tăng cường và ổn định. Công tác đối ngoại được Đảng bộ huyện Lộc Bình chú trọng lãnh đạo thực hiện thể hiện được thiện chí, tình cảm đoàn kết hữu nghị giữa huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và huyện Ninh Minh, Bằng Tường (Trung Quốc) tạo điều kiện, môi trường thuận lợi giữ ổn định tình hình khu vực biên giới giữa hai nước. Những thành tựu đó đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng vào công cuộc đổi mới, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng thuận, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ hơn nữa xây dựng huyện Lộc Bình phát triển bền vững.

Cánh đồng lúa Lộc Bình